5 PHƯƠNG ÁN GIA CỐ NỀN ĐẤT YẾU PHỔ BIẾN HIỆN NAY!
I. Nền đất yếu là gì?
- Nền đất yếu là nền đất dễ sụt lún, có khả năng chịu tải kém, dễ bị biến dạng bởi tải trọng công trình. Nền đất yếu thường là nền đất gần sông, đất bùn, đất cát chảy…có độ rỗng trong đất lớn.
- Việc gia cố nền đất yếu nhằm tăng sức chịu tải của nền đất, giảm độ rỗng và tăng độ chặt trong đất; gồm 2 phương án cơ bản là: Thay thế nền đất yếu và gia cường sức chịu tải của nền đất yếu.
II. Các phương án gia cố nền đất yếu:
1. Phương án thay thế nền đất yếu bằng đệm cát.
a. Trường hợp áp dụng: lớp đất yếu dạng sét nhão, sét pha nhão, cát pha, bùn, than bùn…và chiều dày lớp đất yếu nhỏ hơn 3 m.
b. Biện pháp thi công: Đào bỏ một phần hoặc toàn bộ lớp đất yếu và thay vào đó bằng cát hạt trung, hạt thô đầm chặt.
c. Công dụng của lớp đệm cát:
- Lớp đệm cát nằm trực tiếp dưới móng, có vai trò tiếp thu tải trọng, chịu tải và truyền tải trọng của công trình vào lớp đất phía dưới.
- Giảm độ lún và chênh lệch lún của công trình.
- Giảm chiều sâu chôn móng, nên giảm chi phí xây dựng.
- Tăng khả năng ổn định công trình, tăng lực ma sát và sức chống trượt.
- Thi công đơn giản, không yêu cầu thiết bị phức tạp.
c. Phạm vi áp dụng: không áp dụng đối với nền đất có mực nước ngầm cao và áp lực nước cao, gây tốn chi phí hạ mực nước ngầm và đệm cát sẽ không ổn định.
2. Phương án đầm chặt đất mặt.
a. Trường hợp áp dụng: Nền đât yếu, có độ ẩm nhỏ (W<70%)
b. Biện pháp thi công: Dùng máy đầm có lực đầm 1-4 tấn đầm chặt toàn bộ lớp đất mặt.
c. Công dụng:
- Tăng cường độ chống cắt, nứt của đất.
- Giảm nén lún.
- Tận dụng được nền đất tự nhiên và giảm lượng đất đào.
3. Phương án nén tải trước:
a. Trường hợp áp dụng: đối với nền đất yếu như than bùn, bùn sét, sét pha dẻo nhão, cát pha bảo hòa nước.
b. Biện pháp thực hiện:
- Chất tải trọng (Đá, gạch , bê tông…) bằng hoặc lớn hơn tải trọng công trình dự kiến xây dựng.
- Dùng giếng cát hoặc bấc thấm để thoát nước trong đất ra ngoài, giảm độ rỗng trong đất, tăng nhanh tốc độ lún theo thời gian.
c. Công dụng:
- Tăng nhanh sức chịu tải của nền đất
- Tăng nhanh thời gian cố kết và tăng nhanh độ ổn định lún theo thời gian.
4. Phương án Ép cọc tre:
a. Trường hợp áp dụng:
- khi nền đất yếu có ngập nước; không áp dụng cho nền đất khô và cát.
- Dùng cho các công trình có tải trọng nhỏ.
b. Biện pháp thực hiện:
- Chọn tre: Tre tươi, thẳng, đường kính 80-100 mm, độ dày ống tre lớn hơn 10 mm, chiều dài mắt tre nhỏ hơn 400 mm.
- Chiều dài cọc tre: 1,5 – 2,5 m, đầu trên cọc cắt vuông góc với trục cọc và cách mắt tre 50 mm.
- Số lượng ép cọc tre: từ 16-36 cọc/ 1 m2 tùy vào từng vùng đất.
- Cách ép cọc: Dùng máy đào ép cọc tre thẳng đứng xuống vị trí cần ép.
c. Công dung: giảm độ lún và tăng sức chịu tải cho nền đất.
5. Phương án gia cố bằng cọc xi măng – đất:
a. Trường hợp áp dụng: đối với các nền đât yếu, nhiều cát, vùng ven sông, ven biển, bãi bồi.
- Ưu điểm:
- Chi phí rẻ hơn các loại cọc khác.
- Thời gian thi công nhanh.
- Có thể điều chỉnh cường độ cọc bằng cách điều chỉnh lượng xi măng pha trộn vào cọc.
- Không tốn vật liệu bù đắp lún, hay thay thế nền đất yếu.
- Thi công với độ ồn và độ rung nhỏ nên có thể áp dụng trong thành phố.
- Nhược điểm:
- Máy móc thi công cồng kềnh.
- Phải khoan lấy mẫu đất và pha trộn lượng xi măng thí nghiệm trước khi thi công đại trà.
b. Biện pháp thực hiện:
- Khoan lấy mẫu đất và thí nghiệm lượng xi măng cần cho vào để cọ đạt cường độ chịu tải.
- Dùng máy chuyên dụng khoan tơi xốp đất đến độ sâu thiết kế và phun vữa xi măng vào đất trong khi rút mũi khoan lên.
c. Công dụng: tăng độ ổn định, giảm độ nén lún và tăng khả năng chịu tải của đất.